» Thông tin » Top 10 Khu tham quan du lịch ở Bình Phước

Top 10 Khu tham quan du lịch ở Bình Phước

Là một trong những tỉnh kinh tế trọng điểm của khu vực Đông Nam Bộ, Bình Phước còn được biết đến với tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng. Đến với vùng đất này du khách sẽ được dịp ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt mỹ của phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, những hồ nước tự nhiên tuyệt đẹp, và các cánh rừng nguyên sinh rộng bạt ngàn. Sau đây chính là 10 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Bình Phước đã và đang giúp ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển và thu hút nhiều lượt du khách.

Khu tham quan du lịch vườn quốc gia Bù Gia Mập – Bình Phước

Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm tại huyện Phước Long, Bình Phước, đây là khu rừng có diện tích lớn nhất tại tỉnh này. Với diện tích rộng lớn khoảng 26.032 ha, vườn Quốc gia Bù Mập không chỉ là nơi bảo tồn những nguồn gen quý hiếm trong hệ động thực vật đang được ghi danh ở sách đỏ của Việt Nam mà nơi đây còn là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút những khách du lịch ưa thích tìm hiểu và khám phá thiên nhiên hoang dã mang đến nguồn thu lớn cho GDP của tỉnh Bình Phước. Đồng thời Vườn quốc gia Bù Gia Mập giúp bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Đôn, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái, giúp du khách có những phút giây hòa mình trọn vẹn với thiên nhiên tươi mát. Bước chân vào hành trình tham quan Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, bạn như lạc vào thế giới của rừng cây tuyệt diệu. Các khu rừng nơi đây vẫn đảm bảo tính chất của rừng nguyên sinh với đa số thuộc những loài cây họ Dầu và họ Đậu. Đó là cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, thạch tùng, trắc, gỗ mật, giáng hương…
Hơn nữa, Vườn Quốc gia này cũng có 278 giống cây dược liệu. Đến nay Vườn đã hình thành và đưa vào khai thác 10 tuyến du lịch khám phá, trong đó phải kể đến các tuyến lôi cuốn du khách như: Giếng Trời - thác Đắk Bô, đường 14C - thác Đắk Bô, suối Đắk Ka, thác Lưu Ly, suối Đắk Manh, đồi 702 - Đắk Ca, thác Đắk Mai, thác Đắk Dốt, thác Đắk Sam, suối Đắk Mai - Ngầm 79…Ngoài ra, trong vườn Quốc gia Bù Gia Mập còn có các sinh cảnh nổi tiếng như: hồ Hoa Mai, vườn quy tụ thực vật rộng 50 ha, khu cứu hộ động vật, thác Lưu Ly, thác Đắk Mai… Nhắc đến du lịch Vườn là nhắc đến loại hình du lịch khám phá với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa thường xanh ẩm nhiệt đới cộng với hệ thống ghềnh thác, hồ, suối… đan xen, hòa quyện chập chờn giữa rừng, tạo cho du khách cảm giác thân thiện, đắm đuối như được trở về cùng thiên nhiên hoang sơ. Ban ngày băng rừng vượt suối vào trong rừng, du khách sẽ được khám phá cảnh vật thiên nhiên hoang sơ đầy huyền bí.

Địa điểm du lịch tràng cỏ Bù Lạch – Bình Phước

Tràng cỏ Bù Lạch thuộc địa phận xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Đây là một khu phức hợp gồm những cánh đồng cỏ rộng lớn xanh mướt trải dài cùng với hồ nước tự nhiên và cánh rừng nguyên sinh tạo thành một bức tranh thiên nhiên vô cùng thơ mộng và sinh động. Đến với nơi đây du khách sẽ có một khoảng thời gian thoải mái, thư thái và hòa mình vào đất trời để nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp và lưu lại những phút giây quý báu trong các shoot hình đẹp. Nơi này vốn là một cụm gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau với diện tích lên đến 500 ha. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do đọc chệch từ tiếng địa phương của người M’Nông. Các già làng giải thích rằng ở đây chữ “lạch” trong tiếng M’Nông có nghĩa là “trảng”, ở trong trảng lại có một bàu nước nên gọi là Bàu Lạch, đọc lệch đi nên thành Bù Lạch.
Bước chân vào khu trảng cỏ du khách sẽ trầm trồ thán phục trước những bãi cỏ non xanh mướt chạy dài cả một vùng rộng lớn. Cỏ ở đây không mọc được cao mà chỉ đến 4 - 5 cm là vàng héo, và một lớp cỏ xanh khác lại tiếp tục ngoi lên. Những bãi cỏ cứ thế thay phiên nhau tạo cho khung cảnh ở đây thay đổi màu sắc liên tục từ xanh ngọc chuyển sang vàng rực trông rất đẹp mắt. Vào sâu bên trong, du khách sẽ thấy một mặt hồ trong xanh, êm dịu, những làn nước đu đưa nhẹ nhàng theo cơn gió. Nước trong bàu là những mạch nước ngầm từ rừng đổ về, thông với các bàu nước khác là những con suối nhỏ, cứ thế qua năm tháng nước trong bàu không bao giờ vơi cạn. Bao quanh khu trảng cỏ là những khu rừng nguyên sinh với những thân cây rộng lên đến 3 người ôm. Theo chân những con đường mòn mà người dân tộc M’Nông ở đây hay đi nương rẫy để vào sâu bên trong cánh rừng già, du khách sẽ cảm nhận được một làn khí lạnh ùa về. Những buổi trưa nắng có thể dừng chân cảm nhận cái lạnh mát của khu rừng nguyên sinh khác với cái lạnh mát của những chiếc máy điều hòa trong phòng ấm. Nếu để ý thật kỹ, du khách sẽ thấy những nhành lan nhiều màu bám trên những cây cổ thụ to lớn. Với cảnh sắc thơ mộng, trảng cỏ Bù Lạch sẽ hứa hẹn những thú vui hoang dã hấp dẫn cho những du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và thơ mộng.

Khu tham quan du lịch rừng Nam Cát Tiên – Bình Phước

Rừng Nam Cát Tiên thuộc địa bàn 5 huyện: Tân Phú, Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Bù Đăng (Bình Phước). Nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150 km về phía bắc, các bạn sẽ phải mất 4 tiếng đồng hồ đi xe mới có thể tới được đây. Đặc trưng của rừng Nam Cát Tiên là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới với thảm động thực vật đa dạng và phong phú. Khu rừng tổng thể có hơn 600 loài thực vật, tầm 100 loài cây gỗ quý, hàng trăm loại cây thuốc, hơn 60 loài hoa phong lan… Muông thú trong rừng hơn 240 loài chim, gà lôi, cá rấu, le le, sến, khỉ, tê giác, voi… Nằm trong khu rừng già, nhiều sông suối nên khí hậu mát mẻ, đi vào mùa hè cũng không khó chịu. Khu vực quanh rừng có người dân tộc bản địa Mạ và Stiêng sinh sống lâu đời. Nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán đặc trưng khác miền xuôi.
Có nhiều hoạt động thú vị cho khách du lịch trải nghiệm khi đến với rừng Nam Cát Tiên như: đi bộ xuyên rừng, đi xe đạp trong rừng, thăm quan cá sấu,... Bạn sẽ xuất phát từ rừng Nam Cát Tiên men theo những con đường mòn, băng qua rừng cây và vượt qua những khe suối. Khi đi bộ xuyên qua những cánh rừng bạn sẽ thấy các cảnh đẹp như đồi Tượng, Đồi Đá Trắng – Nhà Dài, hang Dơi. Hoặc là khách du lịch có thể đạp xe qua những lối mòn quanh co sẽ có thể quan sát được những loài cây lớn và quý hiếm như cây tung 400 tuổi với bộ rễ khổng lồ, cây gỗ đỏ gần 7 thế kỷ, Thác Trời, ghềnh đá Bến Cự, cây bằng lăng 6 ngọn với hình dáng kỳ lạ. Ngoài ra, Bàu Sấu cũng là một địa điểm du ngoạn thú vị của khách du lịch khi đến với rừng Cát Tiên. Khách du lịch sẽ được tận mắt thấy và tiếp cận ở cự li gần nhất.

Địa điểm du lịch khu du lịch núi Bà Rá, thác Mơ – Bình Phước

Khu du lịch núi Bà Rá, thác Mơ thuộc địa giới của hai phường Sơn Giang và Thác Mơ, thị xã Phước Long, Bình Phước. Núi Bà Rá chính là ngọn núi cao nhất ở Bình Phước đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam bộ. Du khách có thể chinh phục núi Bà Rá bằng cách đi bộ hoặc dùng cáp treo, từ đỉnh Bà Rá nhìn xuống một góc nhỏ xinh của thị xã Phước Long và hồ thủy điện thác Mơ long lanh đan xen giữa mây trời và các tán cây trong các khu rừng hoang sơ đẹp tựa bức tranh tuyệt mỹ sẽ hiện ra trước mắt. Ngoài ra du khách còn được tham gia vào việc thả câu cùng ngư dân địa phương khi hoàng hôn buông xuống rồi thưởng thức món cá lăng ngon tuyệt. Ở độ cao gần 750m so với mực nước biển, núi Bà Rá (thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long, Bình Phước) cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp huyền bí và lạ lùng. Từ Đồi Bằng Lăng, bước lên 1.767 bậc đá là lên đến đỉnh núi, đường lên núi khá đẹp được bao phủ bởi một màu xanh nào là trúc, lồ ô, đặc biệt hai bên đường đi có nhiều cổ thụ ướm chừng vài trăm năm tuổi.
Đứng trên đỉnh núi Bà Rá, du khách có thể nhìn thấy trung tâm thị xã Phước Long, thấy thị trấn Thác Mơ và thuỷ điện Thác Mơ rộng 12.000 ha và được hòa mình vào không khí thiên nhiên, cảm nhận luồng gió mát lạnh từ hồ Thác Mơ thổi vào. Trên đỉnh có ngọn ăng ten của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, cao 48m nhằm đưa sóng truyền hình đến những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Ở đây còn có một miếu thờ Đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà chúa xứ (núi Bà Rá) rất linh thiêng, đang có dự án xây dựng khu tâm linh Phật giáo gắn với du lịch sinh thái tại di tích. Núi Bà Rá còn có hang Dơi, hang bà Bảy Tuyết sâu, rộng rất đẹp. Đây là nơi ẩn trú của quân, dân ta trong suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và giờ đây trở thành điểm tham quan lý tưởng cho khách du lịch với 17 không khí mát rượi, nước suối trong xanh, những tia nắng len lõi qua khe đá vào hang tạo nên sự huyền ảo, uy linh tạo cho du khách cảm giác thoải mái, thú vị.

Địa điểm tham quan du lịch thác Voi – Bình Phước

Thắng cảnh thác Voi có chiều cao khoảng 15m và chiều rộng tầm 8m, tọa lạc tại địa phận xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Theo tương truyền nơi đây từng có hàng chục đàn voi đến uống nước và vui đùa nên dòng thác này đã được người dân đặt tên là thác Voi và lưu truyền đến ngày nay. Khi mùa mưa đến, thác Voi tuôn nước với bọt trắng xóa, điểm tô xung quanh là những cây cổ thụ cao vút, sừng sững. Muốn vào thăm thú ngoạn cảnh tại thác Voi du khách phải trải qua đoạn đường hiểm trở, các vách đá cheo leo gập ghềnh và uốn lượn. Nhưng kết quả sau chuyến đi gian nan ấy cũng thật mỹ mãn, du khách được nghỉ chân tạo những tảng đá rộng và bằng phẳng để ngắm nhìn dòng thác, ngắm những đàn cò bay về tổ khi hoàng hôn buông xuống hay câu cá để có món ăn tươi ngon và hấp dẫn từ tự nhiên.
Thác Voi cũng như nhiều thác tự nhiên khác, được hình thành cách đây hàng triệu năm do hoạt động của quá trình kiến tạo địa chất trong khu vực. Thác Voi là một trong những con thác đẹp nổi tiếng ở tỉnh Bình Phước còn giữ được vẹn nguyên nét đẹp hoang sơ của núi rừng. Hiện nay, chính quyền tỉnh đã chú trọng đầu tư để giữ gìn và phát huy giá trị di tích của vùng. Khung cảnh thác đẹp tựa bức tranh thiên nhiên khổng lồ. Dòng nước chảy quanh năm dồi dào, những tảng đá lớn xếp chồng chéo từ trên cao đi xuống hình con Voi độc đáo. Nằm trong quần thể danh thắng Tràng cỏ Bù Lạch, thác rộng 13m, cao 14m, dốc 90 độ. Bao quanh là rừng cây xanh rậm rạp, nước suối trong vắt mát lành, gió thổi lồng lồng. Lòng thác không hề bằng phẳng nên tạo hình các chỏm đá nhấp nhô. Phía dưới có các khe lớn, hai bên là vách cheo leo xen lẫn cây cối tạo nên cảnh đẹp kì diệu.

Khu tham quan du lịch thác số 4 – Bình Phước

Khu du lịch thác số 4 được xây dựng từ năm 1998 với diện tích khoảng 20 ha nằm tại Tân Lợi, xã Hớn Quản, huyện Bình Long, Bình Phước. Dòng thác này hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên ấn tượng với nhiều loại cây cổ thụ có bộ rễ to nổi lên mặt đất và bao trọn xung quanh thác tạo. Ngoài ra, cây cầu treo được làm từ rễ cây để nối hai bên bờ suối tạo thành bức tranh lãng mạn đẹp tựa câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể. Du lịch tại thác số 4 du khách sẽ được thưởng thức bữa tiệc ấm thanh sống động từ tiếng chim hót líu lo thánh thót đến tiếng nước chảy hay như tiếng đàn, tiếng lá xào xạc trong gió; dừng chân tại những dãy nhà ấm cúng đủ các tiện nghi và thưởng thức những đặc sản của vùng để lại ấn tượng khó quên.
Quần thể Thác số 4 có kết cấu vững chắc, gồm nhiều tảng khối đá xanh chêm vào nhau, chắn ngang một khe suối nhỏ, uốn lượn theo một triền đồi và vắt ngang một cánh rừng hoang sơ, kỳ bí. Thác lớn nhất dài khoảng 3 m, cao 2 m; thác nhỏ nhất dài khoảng 1 m, cao 1,5 m nối đuôi nhau đổ nước xuống các lưu vực có bán kính hình tròn khoảng 2,5 m, tung bọt trắng xóa trên các khối đá bàn hàng trăm năm tuổi. Hai bên mép suối gồm nhiều cây xanh vài chục năm tuổi, thậm chí hàng trăm năm tuổi được đan bện vào nhau bởi những thân dây leo bằng bắp tay, bắp chân của người lớn. Các thân dây leo uốn lượn như rồng từ gốc cây lên ngọn, tạo nên một khe suối thần tiên trong một khu vườn cổ tích của nàng bạch tuyết. Trong khu vườn cổ tích này, du khách được nghe một bản nhạc thiên nhiên của núi đồi gồm nhiều hợp âm: Tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim rừng gọi bạn, tiếng lá reo trong rừng cây xào xạc… Đến nơi đây, du khách được tham quan, giải trí, hòa mình vào không gian sinh thái thiên nhiên trong một bầu không khí mát rượi, yên ả.

Địa điểm du lịch rừng cao su Bù Đăng – Bình Phước

Không khó để bắt gặp các cánh rừng cao su khi đến Bình Phước nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách thì không phải nơi nào cũng làm được như rừng cao su Bù Đăng. Thuộc đía phận xã Nhân Cơ, Huyện Bù Đăng, Bình Phước, rừng cao su này có sự xen kẽ giữa những rừng cao su non và già tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp đa dạng về màu sắc từ xanh non đến xanh thẫm đến màu vàng hay màu cam của những chiếc lá cao su sắp về với đất mẹ. Tầm cuối năm là thời điểm lý tưởng để tổ chức những buổi picnic tại đây: ngồi trên những thảm lá cao su khô dày và êm ái, ngắm nhìn những chiếc lá cao su trổ vàng xen lẫn ánh nắng lung linh tạo thành một thước phim tuyệt mỹ điểm tô những cơn gió nhè nhẹ, xào xạc và sống động. Đến vùng đất này, đặt chân đến đâu bạn cũng sẽ thấy những cánh rừng cao su bạt ngàn, có lẽ vì thế mà nhắc đến Bình Phước, người ta sẽ nhắc đến những cánh rừng cao su Bình Phước.
Cây cao su ở Bình Phước được trồng xen giữa các khu rừng già và rừng non tạo nên cả một dải đất dài như một bức tranh sơn dầu với đầy đủ các gam màu như màu đỏ, màu vàng, xanh nhạt đến xanh đậm. Có thể kể đến cánh rừng cao su Bù Đăng như một bức tranh đẹp hoàn mỹ. Bất kể thời gian nào, thời tiết ra sao vào mùa nào bạn cũng sẽ ngắm nhìn một vẻ mới, chiếc áo khoác lộng lẫy cũng rất nên thơ của cây cao su. Vào mùa hè, cả khung trời cao su mang sắc xanh tươi mơn mởn, lúc này đến Bình Phước bạn như được chui vào một hang động chỉ toàn cây với bóng mát và tất nhiên mang đến vẻ sống động và tươi mới cho chuyến tham quan. Còn nếu bạn mê mẩn khung cảnh lá vàng lá đỏ của mùa thu Hà Nội, hay khung cảnh trời Tây vào thu lá phong rực sắc, thì đến Bình Phước dịp cuối năm đến cuối xuân, bạn lại được chiêm ngưỡng khung cảnh lãng mạn này một lần nữa. Những chiếc lá chuyển xanh đổ vàng rồi cam và màu đỏ rực bạt ngàn cả khu rừng làm rạo rực cả một vùng trời bình phước. Hơn nữa, nếu bạn đến đây vào buổi sớm hay chiều tà hoàng hôn, từng vạt nắng xuyên qua cánh rừng, tạo nên cảnh sắc đê mê khó lòng mà quên nổi. Sáng sớm sương đọng trên những thân cây, tán lá, chiều về màu đỏ của ánh nắng càng làm khung cảnh nhuốm chút yên bình!

Địa điểm tham quan du lịch thác Đứng – Bình Phước

Thác Đứng được mẹ thiên nhiên rất ưu ái và kiến tạo nên những quang cảnh lạ mắt và vô cùng độc đáo, mang đậm chất hoang sơ. Tọa lạc ngay trên dòng chảy của dòng suối Đắkwoa thuộc địa giới của hai xã Đoàn Kết Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, hiện nay thác Đứng là một trong những thác tự nhiên đẹp nhất của tỉnh này. Mỗi khi mùa mưa đến, thác Đứng lại được dịp phô diễn hết vẻ hùng mạnh của mình bằng việc phát ra âm thanh vang vọng cả một góc rừng, mang theo những dòng nước chở nặng phù sa để bồi đắp vùng đồng bằng tươi tốt, Ngược lại, mỗi khi mùa khô tới thì thác Đứng lại nhẹ nhàng, hiền hòa hơn, ngày đêm đổ những dòng nước trắng xóa, chảy uốn lượn qua những khe đá. Chính khả năng thiên biến vạn hóa này mà thác Đứng trở thành địa điểm hấp dẫn và không thể bỏ qua mỗi khi su khách đặt chân tới Bình Phước.
Vị trí thác cách trung tâm thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng khoảng 6km về hướng Tây Nam; cách trung tâm thị xã Đồng Xoài khoảng 60km về hướng Đông Bắc. Thác Đứng cao chừng 4 – 6m, rộng khoảng 10m, tuôn chảy qua tầng đá với nhiều khối đá hình lục lăng xếp chồng lên nhau, cùng các cột đá lớn hình trụ ghép nối với nhau một cách tự nhiên tạo thành vách dựng đứng, có lẽ cái tên thác ra đời từ đặc điểm đó. Dưới chân thác Đứng còn có muôn vàn tảng đá lớn nhỏ, nhấp nhô theo dòng Đắkwoa trải dài như vô tận. Hai bên bờ là những thảm cỏ, tán cây cổ thụ che rợp bóng mát, điểm tô lác đác những chùm hoa phong lan, hay những khóm hoa dại li ti khoe sắc thắm… Không nối tiếp thành hàng, cũng chẳng theo một trật tự nhất định, nhưng những tảng đá này còn là một chiếc cầu để du khách có thể qua lại đôi bờ vào mùa nước chảy nhẹ. Ngoài ra, khu vực thác cũng là nơi bà con đồng bào dân tộc S’Tiêng bản địa thường chọn làm địa điểm tổ chức các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng. Đầu năm 2014, thác Đứng đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng danh thắng cấp tỉnh.

Địa điểm du lịch sóc Bom Bo – Bình Phước

Sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, từ thị xã Đồng Xoài chạy theo quốc lộ 14 hướng về Bù Đăng khoảng 50 km là sẽ đến nơi. Sóc Bom Bo được hình thành từ những năm kháng chiến chống Mĩ, những anh hùng chiến sĩ du kích thời xưa như Điểu Lên, Điểu Sen nay đều đã thành già làng nhưng vẫn còn sinh sống tại Sóc. Hầu hết chúng ta đều biết đến Sóc Bom Bo qua bài hát “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng, hình ảnh của những người dân đồng bào Xê Tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân chống giặc đã đi vào thơ ca và lịch sử như thế. Sóc Bom Bo có lịch sử hào hùng trong những năm tháng chống Mỹ của đất nước, đây là một phần địa giới trong xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước.
Đến với Sóc Bom Bo du khách sẽ được hồi tưởng lại một phần kí ức khó quên của lịch sử dân tộc, trải nghiệm văn hóa độc đáo và thưởng thức những món đặc sản địa phương đầy hấp dẫn. Nhắc tới sóc Bom Bo, nhiều người còn liên tưởng ngay đến “tiếng chày giã gạo bên ánh lửa lồ ô bập bùng”. Thăm nơi đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc S’Tiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân; được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện về buôn sóc bên ánh lửa hồng. Ngoài ra, du khách còn được tham gia, tìm hiểu về các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào STiêng tại khu bảo tồn. Những hoạt động này mang ý nghĩa giao thoa văn hóa giữa người dân nơi đây với du khách và tạo điều kiện cho đồng bào S’Tiêng có thêm động lực, ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước nói riêng và đồng bào S’Tiêng cả nước nói chung; đồng thời đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của đồng bào S’Tiêng và của địa phương ngày càng phát triển đi lên.

Địa điểm tham quan du lịch hồ suối Lam – Bình Phước

Hồ Suối Lam tọa lạc tại xã Thuận Phúc, huyện Đông Phú, tỉnh Bình Phước. Hồ Suối Lam rộng khoảng 100 ha, sâu 4m, mặt hồ bằng phẳng như gương, nước hồ bốn mùa trong xanh. Bao quanh hồ Suối Hồ Lam là những cánh rừng cao su thẳng tăm tắp với màu xanh ngút ngàn. Từ xa nhìn lại bạn sẽ thấy hồ Suối Lam giống như hồ Xuân Hương thơ mộng ở Đà Lạt. Đến du lịch tại hồ Suối Lam du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm cảm giác yên bình khi ngồi thuyền thưởng cảnh quanh hồ, hòa mình vào thiên nhiên với tiếng chim líu lo, tiếng gió nhẹ, tiếng thở của đất trời. Khung cảnh xung quanh hồ Suối Lam rất yên bình và hoang sơ nên nơi đây là địa điểm lý tưởng để tận hưởng những chuyến dã ngoại cùng bạn bè người thân rồi cùng nhau cắm trại hay câu cá và thưởng thức những món đặc sản núi rừng mang đúng hương vị địa phương. Đây còn là nơi sinh sống của nhiều loại cá nước ngọt như: cá lóc, cá chép, trắm, cá mè…
Sắp tới, khu du lịch Suối Lam được xây dựng phát triển, dự toán 126 tỷ đồng. Đây thực sự là một điểm dừng chân thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Khung cảnh xung quanh hồ còn khá hoang sơ và yên bình. Nơi đây phù hợp cho những chuyến dã ngoại, cắm trại, câu cá và nghỉ dưỡng. Ngoài ra đến đây bạn còn có cơ hội thưởng thức nhiều món đặc sản núi rừng của nhà hàng nằm ngay trong khuôn viên hồ. Bên hồ Suối Lam là các công trình vui chơi giải trí phục vụ cho du khách gần xa. Nổi bật là nhà hàng nổi với nhiều món ăn đặc sản mà chỉ có ở vùng rừng núi tỉnh Bình Phước. Du khách có thể bơi thuyền, tắm dưới hồ, hoặc cắm trại trong những rừng cây ven hồ. Đến với Hồ Suối Lam, quý khách còn có thể được chơi các trò chơi vận động, giải trí như trượt nước theo dốc xuống hồ, chèo thuyền, tắm suối, …
Đến với Bình Phước bạn không chỉ được khám phá những cảnh sắc thiên nhiên có một không hai mà còn có cơ hội tìm hiểu những kí ức oanh liệt một thời của người dân nơi đây trong những năm tháng cách mạng hào hùng để thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước, con người Việt Nam ta. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

THÀNH LẬP CTY | ĐĂNG KÝ KINH DOANH




Copyright © 2017 - All Rights Reserved - www.daivietcoltd.vn

Đang online: 29    Lượt truy cập: 2235993